Quy phục Nam Đường và Hậu Tấn Lý Nhân Đạt

Mùa thu năm 945, Kiến châu thất thủ trước quân Nam Đường, Vương Diên Chính đầu hàng, Mân diệt vong. Sau đó, toàn bộ lãnh địa cũ của Mân quy phục Nam Đường. Một thành viên hoàng tộc Mân là Tuyền châu thứ sử Vương Kế Huân (王繼勳) viết thư cho Lý Hoằng Nghĩa, đề xuất thiết lập quan hệ hữu nghị, Lý Hoằng Nghĩa lấy cớ Tuyền châu vốn lệ thuộc Uy Vũ quân nên cho rằng hành động này trái phép tắc. Tháng 4 năm Bính Ngọ (946), Lý Nhân Đạt khiển đệ là Lý Hoằng Thông (李弘通) tấn công Tuyền châu. Tại Tuyền châu, Lưu Tòng Hiệu nhân cơ hội này phế Vương Kế Huân và đoạt quyền, sau đó đẩy lui cuộc tấn công của Lý Hoằng Thông.[3]

Khi Nam Đường chiếm Kiến châu, có người muốn thừa thắng đoạt luôn Phúc châu, song Hoàng đế Nam Đường không tán thành. Xu mật sứ Trần Giác (陳覺) thỉnh tự đi thuyết phục Lý Hoằng Nghĩa nhập triều. Lý Cảnh cũng ban tước "quốc phu nhân" cho mẹ và vợ của Lý Hoằng Nghĩa, ban chức quan cho bốn em trai của ông, bổ nhiệm Trần Giác làm Phúc châu tuyên dụ sứ, thưởng nhiều vàng và lụa cho Lý Hoằng Nghĩa. Tuy nhiên, Lý Hoằng Nghĩa biết được sách lược này, đến khi gặp Trần Giác thì đối đãi vô lễ và lạnh nhạt. Trần Giác dời Phúc châu mà không dám bảo Lý Hoằng Nghĩa nhập triều.[3]

Trên đường về Kim Lăng, Trần Giác đi đến Kiếm châu[c 8], giả chiếu Lý Cảnh lệnh cho Lý Hoằng Nghĩa nhập triều, tự xưng quyền Phúc châu quân phủ sự, phát binh Đinh châu[c 9], Kiến châu, Phủ châu[c 10], và Tín châu[c 11], dưới quyền Kiến châu giám quân sứ Phùng Diên Lỗ (馮延魯) đến Phúc châu nghênh Lý Nhân Đạt. Phùng Diên Lỗ trước tiên viết thư cho Lý Nhân Đạt chỉ rõ họa phúc, Lý Nhân Đạt đáp thư thỉnh chiến. Lý Nhân Đạt sai Lâu thuyền chỉ huy sứ Dương Sùng Bảo (楊崇保) đem binh sĩ trong châu kháng cự. Lý Cảnh ban đầu rất tức giận vì Trần Giác chuyên lệnh, song vẫn quyết định viện trợ. Ngày Đinh Sửu (19) tháng 8 (17 tháng 9), Trần Giác và Phùng Diên Lỗ đánh bại Dương Sùng Bảo tại Hậu Quan (候官), đến ngày Mậu Dần hôm sau thừa thắng tấn công cửa tây của thành Phúc châu. Lý Nhân Đạt xuất kích, giành được thắng lợi, bắt được Tả Thần Uy chỉ huy sứ Dương Khuông Nghiệp (楊匡鄴) của Hậu Đường. Lý Cảnh bổ nhiệm Vĩnh An tiết độ sứ Vương Sùng Văn (王崇文) làm Đông Nam diện đô chiêu thảo sứ, Ngụy Sầm (魏岑) là Đông diện giám quân sứ, Phùng Diên Lỗ là Nam diện giám quân sứ, hội binh công Phúc châu, chiếm được ngoại quách. Lý Nhân Đạt cố thủ tại thành thứ nhì.[3]